Phạm Minh Quang, hiện đang là SV năm 3, ĐH Brandeis, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Bạn là Trưởng Ban tổ chức hội thảo du học VietAbroader vừa diễn ra vào sáng 16/7 tại Hà Nội.
Hội thảo du học Mỹ vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội nhận được nhiều quan tâm của học sinh, phụ huynh có nhu cầu.
Làm gì trước cú “sốc” về văn hóa?
Nhận thấy môi trường học về kinh tế phù hợp với mong ước, Minh Quang quyết định làm hồ sơ du học tại Mỹ. Nhưng vì tìm hiểu muộn nên cậu có sự chuẩn bị chưa kỹ càng về ngoại ngữ, thủ tục giấy tờ,…
Đặt chân tới đất nước xa xôi, nơi “thiên đường mơ ước” của nhiều người với sự đa dạng về sắc tộc, cuộc sống phóng khoáng khác hẳn với nền văn hóa đậm đà bản sắc, lối sống cộng đồng gắn bó ở VN đã khiến Minh Quang thực sự bị “sốc”. Một cú “sốc” về văn hóa.
Cảm giác như bị cô lập hay lạc lõng giữa biển người kéo theo nỗi nhớ nhà da diết là cảm xúc của cậu bạn lúc đó. “Khi ấy, mình cố gắng mở rộng cách suy nghĩ, hòa đồng và tham gia các CLB của các bạn Hoa Kỳ và các nước khác.
Điều đó đã giúp mình hình dung và phần nào hiểu nền văn hóa đa sắc tộc của Hoa Kỳ. Có thêm bạn mới mình không còn cảm giác bị cô lập nữa” – Minh Quang chia sẻ.
Phạm Minh Quang
“Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội du học đang trở thành nhu cầu rất lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, học sinh vì không tìm hiểu kỹ hoặc gặp vấn đề khi tiếp cận thông tin chưa được chọn lọc đã bị ảnh hưởng rất lớn tới chuyện học tập, sinh sống sau khi sang Mỹ”.
Những ví dụ được Minh Quang đưa ra như: phụ huynh không theo sát được đời sống con em mình; không hài lòng, thất vọng với đời sống du học sinh; vướng vào các tệ nạn xã hội, hoặc thua kém học tập vì lý do khách quan.
Lời khuyên được đưa ra là: Thông qua tham gia các diễn đàn, hội thảo, học sinh và người nhà có thể có được những thông tin mang tính định hướng, giúp đỡ chi tiết. Và càng chuẩn bị sớm, kỹ càng thì khả năng xảy ra những cú “sốc” sẽ được hạn chế.
Từng bị lôi kéo dùng ma túy, tệ nạn xã hội bủa vây
Mối lo nữa như Minh Quang chia sẻ chính là những tệ nạn xã hội: “Tự do cá nhân với một số bạn đồng nghĩa với việc sống buông thả, không chú ý tới cuộc sống của mình là một du học sinh.
Bản thân bạn đã từng biết các bạn ở VN rất có năng lực, có triển vọng, nhiều bạn tự tìm học bổng, không cần sự trợ giúp của gia đình nhưng khi sang Mỹ các bạn bị ảnh hưởng xấu, bị vướng vào những tệ nạn xã hội như nghiện ngập, mại dâm,…
Chia sẻ về trường hợp của bản thân, Minh Quang cho hay: “Các trường học ở Mỹ có điểm rất mạnh là tiệc tùng, điểm đã trở thành thương hiệu. Nhiều nơi được tổ chức lành mạnh, được hướng dẫn, có người bảo vệ, các bạn tới tham dự có ý thức.
Nhưng một số nơi trở nên quá sa đọa. Có lần mình gặp các bạn sinh viên hút cần sa trong bữa tiệc (việc này đôi khi rất bình thường với nhiều người tại đây). Các bạn hỏi có muốn thử không. Bản thân mình đã gặp rất nhiều khó khăn vì không muốn từ chối, muốn có thêm những người bạn. Tuy nhiên mình đã lịch sự xin phép và không thử”.
Mong được cống hiến cho đất nước
Giữa muôn vàn nỗi lo thì những buổi gặp mặt thường xuyên, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ, Tết thực sự là điều khiến các bạn du học sinh tại đây thêm vững tâm.
“Bọn mình nấu ăn chung, cùng nhau làm những việc đơn giản như làm cành đào từ các tờ giấy màu và cành lá thu lượm được. Mỗi lần gặp mặt như thế các thành viên sẽ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ các thành viên” – Minh Quang kể lại.
Từ những hội thảo kinh doanh tại New York hay hội thảo du học tại quê nhà như thế đã giúp các thành viên thêm gần nhau hơn.
Cùng lúc học 3 chuyên ngành là Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Công nghệ Thông tin, với nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài nhưng Minh Quang tâm sự bạn sẽ trở về làm việc, cống hiến cho đất nước sau khi tốt nghiệp ĐH tại Mỹ.
“Hiện kinh tế của VN ngày càng phát triển, cơ hội việc làm cho những du học sinh như mình là khá lớn. Hơn nữa nơi đây còn có gia đình mình nữa. Các cụ ta xưa vẫn nói “không đâu tốt như nhà mình” mà, phải không?”.
Văn Chung
Không nên quá chú tâm vào làm thêm Minh Quang cho hay: "Ở Mỹ, các ĐH luôn tạo điều kiện để bạn làm việc. Bản thân mình hiện đang trong nhóm sửa chữa, khắc phục sự cố máy tính cho trường. Nó giúp mình thêm kỹ năng chuyên ngành vừa có thêm tiền bạc chi tiêu hàng ngày. Tuy nhiên không nên quá chú tâm vào làm thêm. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của bạn. Hơn thế bạn không có thời gian cho các hoạt động khác. Trải nghiệm về cuộc sống du học sẽ bị hạn chế nhiều". |
Trong hội thảo vừa diễn ra sáng nay còn có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm “Bài luận xin học” (essay) khá thú vị của 2 gương mặt học sinh tiêu biểu là: Tôn Hà Anh (ĐH Harvard) và Nguyễn Phương Linh (ĐH Yale) cùng là dân chuyên Anh, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội). Clip chia sẻ của 2 bạn về cách viết essay sẽ được VietNamNet gửi tới bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét